Từ “điểm nóng” đến “vùng xanh”
Với nguyên tắc phòng dịch là cơ bản, chống dịch là quyết liệt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phát triển kinh tế là cấp bách, Vĩnh Phúc đã và đang tập trung xây dựng, giữ vững và mở rộng “vùng xanh” nhằm mục tiêu kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng, cuộc sống bình yên của nhân dân, đưa các hoạt kinh tế – xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.
‘Vùng xanh” từ thôn, làng
Đến thôn Yên Quán, xã Bình Định, huyện Yên Lạc những ngày giữa tháng 9, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay của vùng quê này, nhất là tinh thần “chống dịch như chống giặc”, không để lọt các nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn. Mọi hoạt phòng chống dịch đều được ghi chép tỉ mỉ, cẩn thận trong sổ nghị quyết, lịch trình di chuyển của người dân.
Thường xuyên trực tại chốt bảo vệ vùng xanh đầu làng khu Mả Lọ, anh Đào Duy Thảo, bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ Covid -19 cộng đồng thôn Yên Quán cho biết: Yên Quán có 1.041 hộ, với hơn 3.500 nhân khẩu chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp. Những năm qua, nhờ cần cù, chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi và phần lớn con em ra ngoài khởi nghiệp hoặc đi lao động tại các công ty, doanh nghiệp nên đời sống, thu nhập của người dân trong thôn ngày càng khởi sắc, nhà tầng mọc san sát. Đặc biệt, người dân ở đây luôn đoàn kết, có ý thức cao trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch”. Từ trẻ nhỏ đến người già luôn tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch; các gia đình thường xuyên liên lạc, nhắc nhở con em đi làm ăn xa không trở về quê hương, “ở đâu ở yên đó”.
Theo anh Thảo, trên thực tế, không phải đến khi Yên Lạc có kế hoạch xây dựng “vùng xanh” thì Yên Quán mới cấp bách triển khai các biện pháp phòng chống dịch mà nhiệm vụ này đã được thôn thực hiện xuyên suốt từ đầu tháng 5/2021 – khi Bình Định trở thành điểm nóng về Covid-19. Hiện Yên Quán duy trì hoạt động hiệu quả 25 tổ liên gia phòng, chống dịch cùng 2 chốt bảo vệ vùng xanh đặt tại vị trí đầu làng khu Mả Lọ và trục đường liên thôn Yên Quán – Đại Nội. 100% hộ dân ký cam kết tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch. Hằng ngày, nhất cử nhất động của người dân đều được các tổ liên gia, tổ Covid-19 cộng đồng giám sát chặt chẽ thông qua nhật ký di chuyển – sinh hoạt, sổ nghị quyết, bản cam kết để khi cần có thể nắm được ngay. Cùng với đó, bất kỳ người lạ nào xuất hiện trên địa bàn đều phải khai báo y tế, nêu rõ lý do, mục đích đến hay ở lại trong bao lâu. Các tình huống phát sinh tiềm ẩn nguy cơ cao đều được thu thập, nắm vững và kịp thời báo cáo ngay cơ quan chức năng và cấp trên để xin hướng giải quyết.
Nhờ đó đến nay, Yên Quán không để xảy ra tình huống bị động, phát sinh hay nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn, trở thành một chốt chặn, một pháo đài thực sự kiên cố trong phòng chống dịch của Bình Định. Đặc biệt, những sáng kiến, cách làm bài bản, nhất là tinh thần làm việc xuyên ngày đêm của các tổ Covid, tổ liên gia tự quản và tất cả các giải pháp phòng chống dịch đều được họp bàn thống nhất ghi rõ trong sổ nghị quyết, lịch trình di chuyển của nhân dân được ghi trong nhật ký di chuyển – sinh hoạt, thôn Yên Quán đã được Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành khen ngợi, đánh giá cao tại buổi kiểm tra đột xuất sáng 2/9. Đồng chí Chủ tịch đã giao Công an tỉnh nghiên cứu, hoàn thiện quy trình chống dịch của thôn thành hệ thống trình Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh phương án áp dụng trên diện rộng.
Theo báo cáo của UBND huyện Yên Lạc, Yên Quán không phải là mô hình điểm hay nhân tố đặc trưng của huyện, bởi thực tế, tất cả 154 thôn, tổ dân phố và 166 tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng ở Yên Lạc đều triển khai công tác phòng, chống dịch như vậy, thậm chí, các hoạt động phòng chống dịch như Yên Quán đã diễn ra nhiều tháng nay và mỗi ngày lại được điều chỉnh thêm cho phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm cao nhất hiệu quả phòng, chống dịch, giúp Yên Lạc nhanh chóng kiểm soát được tình hình, không để xảy ra các tình huống bất ngờ, bị động.
Ông Nguyễn Xuân Thông, Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc cho biết, xác định nhiệm vụ số 1 là phòng chống dịch Covid-19, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và xây dựng Yên Lạc thành vùng xanh an toàn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, ngay khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 215 về triển khai “vùng xanh” trong phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế xã hội, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, lĩnh vực phục trách thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Chủ động xây dựng kế hoạch “vùng xanh”, trước mắt là thí điểm tại thị trấn Yên Lạc và các xã Tam Hồng, Trung Kiên. Đồng thời, không được chủ quan, lơ là, ngăn chặn kịp thời không để dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài và bùng phát từ bên trong; chuẩn bị các kịch bản, cơ sở vật chất, nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, bảo vệ vững chắc thành quả chống dịch, thúc đẩy kinh tế – xã hội tăng trưởng những tháng cuối năm.
Tương tự như Yên Lạc, xác định “vùng xanh” mở ra cơ hội vàng để người dân, doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, trở về trạng thái bình thường mới, đến nay, tất cả các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn đều ban hành kế hoạch triển khai “vùng xanh” phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, tại thành phố Phúc Yên, ngay khi được tỉnh chọn là 1 trong 3 địa phương triển khai làm điểm “vùng xanh”, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai “vùng xanh” phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp. Thiết lập các chốt bảo vệ “vùng xanh” tại các thôn, tổ dân phố, nhất là tại các khu vực tiếp giáp với thủ đô Hà Nội và đường tỉnh 301 Đại Lải – Đèo Nhe, kết nối xã Ngọc Thanh với xã Thành Công, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên – nơi hằng ngày có hàng nghìn lượt công nhân đi lại.
Ông Hoàng Tiến Sửu, Chủ tịch UBND phường Phúc Thắng cho biết, việc xây dựng và giữ vững được “vùng xanh” trong phòng chống dịch, phát triển kinh tế là nhiệm vụ hết sức khó khăn, bởi Phúc Thắng tiếp giáp với huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội và trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp, nhất là 2 công ty lớn là Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam với lượng công nhân lao động lớn ở nhiều tỉnh, thành đến làm việc.
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Phúc Thắng đã rà soát, thống kê, kiểm soát tốt lượng người di biến động; thành lập 13 tổ Covid-19 cộng đồng, 20 chốt cứng, 13 chốt mềm bảo vệ “vùng xanh” với 91 thành viên. Hằng ngày, từ 5 giờ 30 phút sáng đến 23 giờ đêm, các chốt có nhiệu vụ kiểm soát chặt chẽ người lạ vào địa bàn, không để bỏ lọt, mất dấu các trường hợp nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 với mục tiêu 5 xanh: xanh nhà, xanh ngõ, xanh phố, xanh phường, xanh thành phố.
Riêng tại đường Tôn Nguyệt, tổ dân phố Xuân Mai 1, phường Phúc Thắng – một trong những khu vực giáp ranh với xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, để bảo vệ thành quả “vùng xanh”, phường đã chỉ đạo Tổ dân phố Xuân Mai 1 đóng cửa tất cả các lối đi nhỏ, nhất là cây cầu nối từ xã Tân Dân sang Phúc Yên chỉ để một lối chính đi vào. Tại lối đi này, từ 0 giờ ngày 27/8/2021, các thành viên trong tổ Covid – 19 cộng đồng và người dân trong khu dân cư thay phiên nhau kiểm soát người ra vào địa bàn, bảo vệ sự an toàn nơi mình sinh sống.
Theo thống kê của UBND thành phố Vĩnh Yên, đến nay, thành phố đã thành lập 143 chốt bảo vệ “vùng xanh” tại 10 xã, phường với hơn 2.000 thành viên là lực lượng nòng cốt ở các tổ Covid – 19 cộng đồng, tổ liên gia tự quản và các tình nguyện viên tham gia nhiệm vụ trực chốt. Công việc dù vất vả, nhưng các thành viên tham gia phòng, chống dịch vẫn nhiệt tình làm việc với mong muốn góp sức bảo vệ thành quả phòng, chống dịch của địa phương.
Cùng với các địa phương, nỗ lực bảo vệ “vùng xanh”, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang duy trì nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Trung ương, của tỉnh. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đồng để thực hiện “3 tại chỗ”; “1 cung đường, 2 điểm đến”; bố trí phòng cách ly y tế tạm thời; tổ chức phân khu làm việc theo đơn vị, bộ phận; phương án phòng chống lây nhiễm tại nhà ăn; test nhanh Covid-19 định kỳ cho cho người lao động làm nhiệm vụ có nguy cơ lây nhiễm cao; đăng ký và tổ chức tiêm vắc-xin phòng, chống Covid-19 cho cán bộ, công nhân lao động…
Từ ngày 24/7 đến 13/9, khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội và tỉnh quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, lao động tỉnh ngoài muốn làm việc tại Vĩnh Phúc thì phải ở lại tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã chủ động bố trí nơi ở cho các chuyên gia, cán bộ quản lý và hỗ trợ, miễn phí tiền ăn, ở cho công nhân ngoại tỉnh; khuyến khích người lao động tham gia cuộc vận động mỗi công nhân Vĩnh Phúc giúp đỡ tối thiểu 1 công nhân lao động là người tỉnh ngoài không có chỗ ở, đang đi về hằng ngày hiện đang ở cùng tổ, đội, dây chuyền sản xuất với mình về nhà mình.
Theo thông tin của các doanh nghiệp tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Doanh nghiệp hỏi chính quyền trả lời” sáng 16/9, với 5 điểm cầu tại các khu công nghiệp: Thăng Long Vĩnh Phúc, Bình Xuyên, Bá Thiện II, Khai Quang, Bá Thiện, các doanh nghiệp đều hưởng ứng và cho rằng việc triển khai “vùng xanh” là việc làm hết sức cần thiết nhằm bảo đảm an toàn, lợi ích cho chính doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cũng đồng tình và sẵn sàng bỏ ra chi phí để thực hiện tầm soát ít nhất 3% số lao động/tuần và phải xét nghiệm Covid-19 hằng tuần từ 3-5% đối với doanh nghiệp có nguy cơ cao, tập trung vào nhóm đối tượng lái xe, bán hàng, phục vụ tại các bếp ăn…
Bảo vệ “vùng xanh” và tái thiết cuộc sống trong tình hình mới
Tính đến ngày 21/9, Vĩnh Phúc đã qua 52 ngày không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng, 34 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới. Đặc biệt, sau hơn 4 tháng của đợt tái bùng dịch Covid-19, từ “điểm nóng”, Vĩnh Phúc trở thành “vùng xanh” phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội. Cuộc sống của người dân bước vào trạng thái bình thường mới. Đời sống nhân dân ổn định, các doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp lớn, nhất là doanh nghiệp FDI có mức tăng trưởng cao lên đến 200%; hơn 330.000 học sinh thuộc 508 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT toàn tỉnh bước vào năm học 2021-2022 đều được đến trường và từ 0 giờ, ngày 13/9/2021, nhiều hoạt động sản xuất, vận tải, lưu thông hàng hóa; hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao, du lịch, thương mại, dịch vụ…được nới lỏng có điều kiện.
Quyết tâm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết 31 về triển khai một số biện pháp, thực hiện mục tiêu duy trì và giữ vững tỉnh Vĩnh Phúc là “vùng xanh an toàn về Covid-19”. Cụ thể hóa nghị quyết này, ngày 23/8/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 215 về triển khai “vùng xanh” trong phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh nhằm mục đích duy trì, tăng cường hơn nữa các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả để vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19 vừa thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, phấn đấu đưa Vĩnh Phúc là vùng an toàn, vừa chống dịch tốt vừa duy trì ổn định các hoạt động sản xuất, kinh doanh; chủ động ngặn chặn nguy cơ dịch xâm nhập từ bên ngoài, kiểm soát chặt chẽ nguy cơ dịch bùng phát từ bên trong, không bỏ lọt, mất dấu các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 tại cộng đồng. Phấn đấu 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa bàn, hộ gia đình, khu dân cư, tổ dân phố, các chợ, trung tâm thường mại là “vùng xanh” trong phòng chống dịch.
Triển khai nhiệm vụ này, UBND tỉnh đã yêu cầu cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chủ động bám sát tình hình dịch bệnh để đánh giá mức độ nguy cơ và áp dụng các giải pháp theo quy định, tương ứng với mức độ nguy cơ với phương châm: Có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm, xây dựng mô hình điểm; phát động nhân dân tích cực tham gia phương châm 2 xây – 3 chống trong phòng, chống dịch. Kiểm soát, ngăn chặn nguồn lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào tỉnh; kiểm soát y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh, quầy thuốc, nhà thuốc; đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vắc xin, tăng cường tầm, xét nghiệm, sàng lọc SARS-CoV-2; phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
Đến nay, toàn tỉnh duy trì hoạt động hiệu quả của 1.386 tổ Covid – 19 cộng đồng với 11.176 thành viên; trên 10.000 tổ liên gia tự quản tham gia chốt bảo vệ “vùng xanh” ở địa bàn dân cư xã, phường; trên 300.000 hộ đã ký cam kết phòng, chống dịch Covid-19. 9 chốt kiểm soát dịch cấp tỉnh và 26 chốt kiểm soát cấp huyện tại các tuyến đường trọng yếu trở thành các chốt bảo vệ vùng xanh, là những “lá chắn thép”, vừa ngăn chặn sự xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài, vừa bảo vệ thành quả chống dịch của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp Vĩnh Phúc suốt thời gian qua.
Bảo vệ vùng xanh từ sớm, từ xa, với ưu tiên số một là thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, tỉnh đã thành lập nhiều tổ cơ động. Trong tháng 9, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang đã đi kiểm tra, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.
Tại buổi kiểm tra ở Công ty TNHH DAIWA PLASTICS – khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Union vina – khu công nghiệp Bá Thiện II và Công ty cổ phần may mặc KLW Việt Nam – phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên chiều 11/9, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, với quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp, Vĩnh Phúc luôn quan tâm, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, không để đứt gãy chuỗi sản xuất. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng tỉnh, thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh, làm tốt hơn nữa công tác chăm lo đời sống người lao động.
Thiết lập và duy trì “vùng xanh” theo nguyên tắc 4 tại chỗ và phương châm “huyện giữ huyện, xã giữ xã, thôn giữ thôn, mỗi địa phương phải trở thành pháo đài vững chắc không để dịch Covid-19 xâm nhập, bùng phát” cũng là công cuộc tái thiết cuộc sống trong tình hình mới, là nền tảng vững chắc để Vĩnh Phúc từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Chính vì thế, hơn lúc nào hết, từng cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và chính người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch Covid-19, bởi bảo vệ “vùng xanh” Vĩnh Phúc chính là bảo vệ an toàn cho cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, làng xóm, cho gia đình và bản thân mỗi người.
Thanh Nga