Đường dây nóng

069 262 1436 / 096 507 1010

Ý kiến chuyên gia về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5- 11 tuổi

1. Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi rất cần thiết

Theo các chuyên gia, việc chích ngừa vaccine cho trẻ đã được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Các quốc gia khác còn đang nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi. Bởi, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi là việc hết sức cần thiết, mang lại nhiều lợi ích để bảo vệ sức khoẻ của trẻ.

Chia sẻ quan điểm về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em, PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng: Là một bác sĩ nhi khoa nên tôi thấy vấn đề nữa là bảo vệ tính mạng và sức khỏe của trẻ em. Trẻ em được quyền hưởng những thành quả của khoa học, thành quả của nghiên cứu, xuất phát từ thực tế. Do vậy tôi nghĩ rằng các ông bố bà mẹ nên cho con mình cơ hội để phòng chống dịch bệnh và nếu không may mắc, thì sẽ không chuyển nặng và đặc biệt là không dẫn đến tình trạng tử vong.


Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi là việc hết sức cần thiết.


Cũng theo chuyên gia này, trong xu hướng tới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rất mong muốn chúng ta phủ được rộng hơn nữa ở nhóm tuổi thấp hơn nữa, nếu như có các nghiên cứu của các nhà sản xuất đưa ra các vaccine ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Bởi vì đây thực sự là nhóm trẻ yếu thế, hệ thống miễn dịch chưa đầy đủ. Biến chủng mới chúng ta cũng chưa xác định rõ là như thế nào. Do vậy, hy vọng rằng các nhà khoa học tìm hiểu để có thể tìm ra thêm những chế phẩm vaccine dành cho trẻ dưới 5 tuổi, tương tự như vaccine sởi bắt đầu chúng ta tiêm từ 9 tháng tuổi. Như vậy, sẽ là một mảnh ghép chúng ta ghép nốt vào bức tranh tổng thể của vaccine cộng đồng.

2. Trẻ nào không nên tiêm?

Chia sẻ với phóng viên Báo suckhoedoisong.vn về những băn khoăn của các cha mẹ,  TS.BS. Phạm Quang Thái -Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định: Vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi an toàn không khác gì các vaccine trong tiêm chủng khác. Vì vậy, cha mẹ không nên quá lo lắng, vì sự lo lắng chỉ làm phức tạp vấn đề trong khi tâm lý vững vàng sẽ làm mọi chuyện suôn sẻ, TS. Thái khuyến cáo.

Tuy nhiên, theo TS. Thái đối tượng thận trọng khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi là những bé có bệnh lý nền, bé có bệnh lý dị ứng hay quá mẫn… . “Ngoài ra các bé có tình trạng bệnh lý cấp tính cũng phải trì hoãn tiêm”- BS Thái nói.

Đồng quan điểm này, BS. nhi khoa Lê Quang Mỹ, người từng tham gia vào đơn vị điều trị COVID-19 cho bệnh nhi ở TP.HCM cũng cho rằng, CDC Hoa Kỳ và châu Âu cũng đã nghiên cứu và đánh giá rất kỹ trước khi cấp phép vaccine để đưa vào sử dụng. Với vaccine Pfizer, theo nghiên cứu của CDC Hoa Kỳ về phản ứng phụ sau tiêm, trong 4.000 trường hợp trẻ tiêm Pfizer thì không có trường hợp nào sốc phản vệ. So sánh với những vaccine khác đã tiêm cho các cháu như: Dại, viêm não, sởi, quai bị, rubella, HPV thì vaccine COVID-19 hiện dùng gặp phản ứng bất lợi sau tiêm vẫn đứng hàng thứ 5 sau những vaccine chúng ta đã từng tiêm cho trẻ em.

Tuy nhiên, những bé cần trì hoãn không tiêm đó là những bé bị sốc thuốc mức độ nặng (tím tái, khó thở…). Những bé dị ứng nặng với một trong những thành phần có trong vaccine (trong vaccine, ngoài thuốc sẽ có thêm 1 số thành phần khác). Nếu xác định trẻ chắc chắn đã bị dị ứng rất nặng với chất nào đó thì  không nên tiêm. Còn lại, các bé bị não úng thuỷ, động kinh, chậm phát triển… không có trì hoãn tiêm, thậm chí các nhà nghiên cứu còn khuyến khích tiêm ngừa cho các bé, vì rõ ràng, đây là đối tượng yếu thế, dễ bị bệnh hơn các bé khác.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Thông tin về phòng, chống dịch bệnh Covid-19