Đường dây nóng

069 262 1436 / 096 507 1010

Tuyệt đối không nên chủ quan để mắc Covid – 19 dẫn đến hệ lụy kéo dài

Thời gian gần đây xuất hiện tư tưởng chủ quan trong nhân dân, không chỉ ở Vĩnh Phúc mà cả nước, đó là đã tiêm phòng Covid – 19 rồi thì khi mắc sẽ nhẹ và nhanh khỏi. Thực tế đúng là tiêm phòng đủ mũi khi nhiễm vi rút SARS-Cov-2, bệnh sẽ nhẹ hơn và nhanh khỏi. Tuy nhiên, hệ lụy của hội chứng Covid – 19 kéo dài hay còn gọi là hậu Covid đã và đang để lại những di chứng cho chính người bệnh, gánh nặng cho ngành y tế cũng như những ảnh hưởng nặng nề cho xã hội về sau này.

Mới thành lập đi vào hoạt động được 3 tuần song phòng khám số 25 – hậu Covid – 19 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh liên tục đón các bệnh nhân trước đó đã mắc Covid đến khám. Thông tin với bác sĩ chuyên khoa 1 Bùi Văn Khang trực tiếp thăm khám tại phòng khám số 25,  bà Vũ Thị Hoa, năm nay 70 tuổi ở xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo cho biết, dù không bị bệnh nền và đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin song sau một tuần khỏi bệnh Covid – 19, bà gặp  phải tình trạng mệt mỏi kéo dài, nói như người thiếu hơi và mất ngủ 3 ngày 3 đêm liên tục. Để nâng cao sức khỏe sau khi khỏi bệnh, bà Hoa đi tập thể dục, tập thở đều đặn hằng ngày, chế độ dinh dưỡng cũng được bảo đảm song tình trạng trên vẫn tiếp tục, không có chuyển biến nên bà rất lo lắng.

Cũng tương tự như bà Hoa, anh Bùi Văn Hưng, 37 tuổi ở xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin phòng Covid – 19 song anh vẫn bị mắc Covid và hơn 1 tuần sau khi bình phục hoàn toàn, anh Hưng tiếp tục có những biểu hiện mất ngủ, đau đầu, nước mũi chảy nhiều, đau nhức cơ dưới da khắp cơ thể. Sau khi được thăm khám, anh Hưng bị tổn thương phế quản phổi và mắc các di chứng của hậu Covid.

Bác sĩ Bùi Văn Khang trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân bị triệu chứng hậu Covid-19

Theo bác sỹ Bùi Văn Khang, người trực tiếp khám cho bệnh nhân hậu Covid-19 tại phòng khám số 25, Bệnh viện đa khoa tỉnh, trung bình một ngày có khoảng trên 20 bệnh nhân đã điều trị khỏi Covid – 19 đến khám với các triệu chứng hậu Covid. Tùy theo bệnh nền, độ tuổi và các mũi tiêm phòng thì triệu chứng hậu Covid kéo dài của người bệnh sẽ có biểu hiện nặng hay nhẹ. Có những trường hợp hậu Covid thể nặng bị tổn thương phổi, sốt, khó thở, mệt mỏi dẫn đến suy hô hấp. Bác sỹ Khang khuyến cáo người dân cần tuyệt đối tự giác tuân thủ các quy định về phòng chống Covid; không được chủ quan với suy nghĩ là được tiêm phòng đầy đủ là đã có thẻ xanh an toàn phòng chống Covid và tốt nhất là không để bản thân bị mắc Covid – 19.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Hữu Việt, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 1 tỉnh cho biết, cơ chế dẫn đến hậu Covid thì chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, có hai cơ chế chính dẫn đến hội chứng Covid – 19 kéo dài hay còn gọi là “hậu Covid” là:  Stress tâm lý dẫn đến gây rối loạn đáp ứng miễn dịch biểu hiện các triệu chứng thường gặp là mệt mỏi kéo dài, đau đầu, mất ngủ, khó tập trung, khó ghi nhớ; biểu hiện ở các tình trạng khó thở liên quan tới tổn thương phổi, đau cơ, đau ngực do tổn thương ở tim và cơ; sụt cân, rụng tóc do rối loạn chuyển hóa; tăng men gan, tổn thương gan do rối loạn đáp ứng miễn dịch. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường như ở trên của cơ thể sau khi mắc Covid-19, người bệnh nên tìm đến cơ sở y tế. Các bác sĩ sẽ xác định tình trạng bệnh và hướng dẫn điều trị triệu chứng và những chăm sóc sức khỏe cần thiết.

Hình ảnh chụp một bệnh nhân bị tổn thương phổi do hội chứng Covid – 19 kéo dài
tại phòng khám hậu Covid-19, Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Hiện nay, việc điều trị tình trạng hậu Covid-19 là điều trị không đặc hiệu, có nghĩa là điều trị triệu chứng, chăm sóc toàn diện, phục hồi chức năng. Vì vậy, để đề phòng hội chứng hậu Covid kéo dài, tốt nhất là không để bị mắc Covid-19; triệt để áp dụng phương pháp 5k và tiêm phòng đầy đủ các mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Nếu đã mắc Covid -19, người bệnh cần lạc quan ăn uống đủ dinh dưỡng giàu đạm và vitamin, thể dục nhẹ nhàng tùy theo tình trạng cơ thể, tập hít thở sâu 10 đến 15 phút trên một ngày; tuân thủ tuyệt đối phương án điều trị do y tế đưa ra.

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới cơ thể và chất lượng sống của người nhiễm Covid-19, hệ lụy của hậu Covid kéo dài cũng như sự lây lan Covid – 19 trong cộng đồng với số ca mắc tăng nhanh gây áp lực lớn lên hệ thống y tế, khan hiếm vật tư y tế. Thêm một người mắc thì sẽ có rất nhiều người bị ảnh hưởng, giảm nguồn nhân lực lao động của các địa phương, làm tăng kinh phí của nhà nước và nhân dân cho phòng chống dịch; chưa kể khi các ca bệnh tăng, chính quyền địa phương chủ yếu chỉ lo chống dịch, các nhiệm vụ khác hầu như thực hiện rất hạn chế.

Những hệ lụy này đang thực tế diễn ra trên địa bàn tỉnh và trong cả nước. Vì vậy, để đẩy lùi Covid – 19, trước hết cần đẩy lùi tâm lý chủ quan và nêu cao ý thức tự giác của mỗi người dân trong phòng chống dịch bệnh, nâng cao nhận thức về những hậu quả do Covid – 19 gây ra để từ đó phòng chống dịch bệnh hiệu quả, tiếp tục đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường và phục hồi kinh tế – xã hội trong và sau đại dịch.

Đức Hiền

Thông tin về phòng, chống dịch bệnh Covid-19