Đường dây nóng

069 262 1436 / 096 507 1010

Tái nhiễm COVID-19 có nguy hiểm không, điều trị như thế nào?

Vì sao có tái nhiễm COVID-19? Ai có nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cao hơn? Tái nhiễm F0 có lây được cho người khác không? Tái nhiễm COVID-19 điều trị ra sao? Tái nhiễm COVID-19 có nguy hiểm không?


Thế giới và Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp tái nhiễm với các chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau.
Ở chủng Delta, tỷ lệ tái nhiễm là 1% và chủng Omicron thì số ca tái nhiễm cao hơn.


Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã chia sẻ bài viết “Ai có nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cao hơn?” trên báo Sức khỏe và Đời sống với nhiều thông tin hữu ích.

Vì sao có tái nhiễm COVID-19?

Tái dương tính là tình trạng người mắc COVID-19 có thời gian mang virus SARS-CoV-2 kéo dài. Một số người có thể mang virus kéo dài nhiều tuần. Những trường hợp này dù xét nghiệm dương tính vẫn nhưng đa số không còn khả năng gây lây truyền sau 2 tuần nhiễm virus.


Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Những trường hợp tái nhiễm COVID-19
sẽ có diễn biến lâm sàng thường nhẹ hơn so với người chưa được tiêm vaccine
mà nhiễm bệnh lần đầu. Tuy nhiên vẫn có thể có một số bệnh nhân có diễn biến nặng.


Tái nhiễm là trường hợp người bệnh mắc COVID-19 đã khỏi bệnh, sau đó lại nhiễm lại. Mỗi người có khả năng đáp ứng miễn dịch khác nhau. Một số người sau khi nhiễm bệnh hoặc tiêm vaccine sẽ có miễn dịch bảo vệ khá lâu. Một số người có thể nồng độ kháng thể bảo vệ sẽ sụt giảm nhanh dẫn đến khả năng tái nhiễm nhanh hơn.

Đặc biệt trong trường hợp lần nhiễm sau do một biến chủng virus có đặc tính kháng nguyên khác so với chủng trước nên kháng thể bảo vệ của lần nhiễm trước có hiệu quả bảo vệ thấp với chủng nhiễm sau.

Ngoài việc đã có những người lần 1 nhiễm biến chủng Delta, lần 2 nhiễm Omicron, trên thực tế đã có những báo cáo y khoa ghi nhận những trường hợp bệnh nhân lần trước đã nhiễm biến chủng Omicron BA.1 sau đó vẫn tái nhiễm với biến chủng BA.2.

Ai có nguy cơ tái nghiễm COVID-19 cao hơn?

Những người tình trạng miễn dịch suy giảm hoặc khả năng sinh kháng thể trung hòa thấp thì có nguy cơ tái nhiễm cao hơn.

Xác suất tái nhiễm cũng có thể cao hơn ở những người có tình trạng phơi nhiễm thường xuyên hơn so với những người sử dụng các biện pháp phòng lây nhiễm cá nhân hiệu quả.

Tái nhiễm F0 có lây được cho người khác không?

Người bệnh tái nhiễm là một lần nhiễm virus mới và phát bệnh. Do đó họ vẫn phát tán virus bình thường và vẫn có khả năng lây nhiễm cho những người khác nếu không có biện pháp phòng lây nhiễm hiệu quả.

Tái nhiễm COVID-19 điều trị ra sao?

Thông thường, những trường hợp tái nhiễm sẽ có diễn biến lâm sàng thường nhẹ hơn so với người chưa được tiêm vaccine mà nhiễm bệnh lần đầu. 

Tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ bệnh nhân nhất định có thể có diễn biến nặng.

Việc điều trị sẽ căn cứ vào diễn biến bệnh cụ thể trên mỗi bệnh nhân.

Những người có diễn biến nhẹ thì chỉ cần đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng; điều trị các triệu chứng (nếu có).

Những người không may có diễn biến nặng thì sẽ được điều trị theo cơ chế bệnh sinh của mỗi tổn thương và áp dụng các biện pháp hồi sức nếu bệnh nhân có tình trạng nguy kịch.

Tái nhiễm COVID-19 có nguy hiểm không?

Những trường hợp tái nhiễm sẽ có diễn biến lâm sàng thường nhẹ hơn so với người chưa được tiêm vaccine mà nhiễm bệnh lần đầu. Tuy nhiên vẫn có thể có một số bệnh nhân có diễn biến nặng. Đặc biệt các vấn đề hậu COVID-19 có thể vẫn xuất hiện thêm sau mỗi lần tái nhiễm.

Theo Bộ Y tế, đến nay Tổ chức Y tế thế giới vẫn coi COVID-19 trong tình trạng đại dịch và quan ngại tiếp tục có các biến chủng không lường trước được của virus SARS-CoV-2.

TS. Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay: “Điều lạ ở virus SARS-CoV-2 khi tấn công vào cơ thể lần đầu tiên thì để lại miễn dịch không cao. Đây là cơ sở cho nguy cơ tái nhiễm.

Thế giới và Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp tái nhiễm với các chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau. Ở chủng Delta, tỷ lệ tái nhiễm là 1% và chủng Omicron thì số ca tái nhiễm cao hơn”.

Tái nhiễm COVID-19 có được dùng thuốc đặc trị Molnupiravir lần 2 không?

Molnupiravir được coi là thuốc đặc trị COVID-19 được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Bộ Y tế cảnh báo rằng không phải tất cả các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đều được phép sử dụng Molnupiravir. Vậy những trường hợp có thể sử dụng Molnupiravir theo quy định có được sử dụng Molnupiravir lần 2 và nhiều lần sau nếu như không may tái nhiễm hay không?

Molnupiravir là loại thuốc có khả năng ức chế và ngăn chặn sự tái tạo và phát triển của virus SARS-CoV-2. Đây cũng là loại thuốc đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp để điều trị COVID-19 từ nhẹ đến trung bình ở người lớn.

Là thuốc đặc trị virus cho nên Bộ Y tế quy định chỉ được phép uống Molnupiravir 800mg mỗi 12 giờ trong vòng 5 ngày. Tuyệt đối không được sử dụng Molnupiravir như một loại thuốc phòng ngừa trước và sau khi nhiễm bệnh. Chỉ sử dụng Molnupiravir khi được kê đơn bởi các tổ chức y tế hoặc bác sĩ có chuyên môn dựa trên tình trạng thực tế của mỗi ca bệnh.

Tái nhiễm COVID-19 có được tiếp tục sử dụng Molnupiravir hay không? Đây là câu hỏi nhận được sự quan tâm rất lớn trong thời gian gần đây.

Chia sẻ trên báo Sức khỏe và Đời sống PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y dược TP.HCM cho biết, việc tái nhiễm COVID-19 trong thời gian gần (trong vòng 60 ngày) là rất hiếm và việc sử dụng Molnupiravir trong lần tái nhiễm tiếp theo là hoàn toàn có thể.

Sử dụng Molnupiravir trong các lần tái nhiễm cách xa nhau không gây ảnh hưởng xấu tới cơ thể. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc đủ 5 ngày liên tiếp thì chúng ta nên ngưng thuốc vì lúc này phần lớn virus đã được tiêu diệt, đồng thời cơ thể cũng đã tạo ra được các kháng thể để tiêu diệt hoàn toàn virus còn lại trong cơ thể.

Để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất chúng ta nên sử dụng Molnupiravir ngay khi xét nghiệm dương tính và có triệu chứng không quan trọng là phát hiện dương tính vào buổi sáng hay chiều, lúc no hay đói.

Dùng Molnupiravir đủ liều nhưng vẫn dương tính thì phải làm sao?

Theo khuyến cáo, Molnupiravir không được sử dụng quá 5 ngày liên tục. Nhưng trên thực tế có rất nhiều các ca bệnh nhiễm COVID-19 đã sử dụng thuốc đặc trị đủ liều nhưng kết quả xét nghiệm PCR vẫn dương tính.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng tư vấn: Người bệnh đừng vội lo lắng hay tìm thêm những loại thuốc khác nhằm thay thế Molnupiravir vì khi sử dụng đủ liều Molnupiravir đồng nghĩa với việc cơ thể của bệnh nhân đã có được sự điều trị tốt nhất và cơ thể đã có thể sản sinh ra các kháng thể tự nhiên để tiêu diệt lượng virus còn sót lại trong cơ thể. 

Đã có những nghiên cứu về việc sử dụng Molnupiravir nhưng vẫn dương tính với COVID-19, kết quả cho thấy những virus khi được đưa ra để nuôi cấy lại không thể sống được. Có nghĩa là Molnupiravir có tiêu diệt và ức chế sự phát triển của virus và thứ còn sót lại đó chỉ là xác của chúng./.

Nguồn: baochinhphu.vn

Thông tin về phòng, chống dịch bệnh Covid-19