Đường dây nóng

069 262 1436 / 096 507 1010

Người dân cần loại bỏ tâm lý chủ quan “ai rồi cũng thành F0′

Trong những ngày qua, tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến rất phức tạp, số ca mắc ở các địa phương trong cả nước cũng như tại địa bàn tăng cao. Thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo của tỉnh, các cấp, các ngành đã chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong phòng chống dịch, mở cửa cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cho đời sống sinh hoạt, học tập của nhân dân chứ không mở cửa cho dịch. Mặc dù vậy, hiện đang xuất hiện suy nghĩ bản thân và những người xung quanh có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào nên nhiều người dân đã chủ quan trong công tác phòng chống dịch, từ đó làm cho tình hình dịch bệnh Covid-19 càng trở nên phức tạp. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần đề cao cảnh giác, thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch, bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng, đặc biệt, cần loại bỏ tâm lý “ai rồi cũng mắc Covid -19″.

Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện tỷ lệ bệnh nhân Covid -19 không triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ ở Vĩnh Phúc đang chiếm khoảng trên 85%. Một bộ phận người dân có tâm lý đã tiêm 3 liều vaccine phòng bệnh nên nếu có dương tính với SARS-CoV-2 sẽ ở thể nhẹ, rồi buông xuôi, thả lỏng, không thực hiện đầy đủ 5K. Theo nhận định của các chuyên gia y tế, đây là suy nghĩ sai lầm, cần phải thay đổi. Vaccine chỉ giúp giảm nguy cơ lây lan và giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng chứ không hoàn toàn chống lại được SARS-CoV-2.

Qua các nghiên cứu, các chuyên gia y tế cho biết có từ 33% đến 76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu Covid -19 kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, 20% người bệnh phải tái nhập viện, 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố định nghĩa chính thức đầu tiên về hội chứng hậu Covid -19. Theo đó, tình trạng hậu Covid -19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm bệnh với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội. Hậu Covid -19 ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, thể chất và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân người bệnh, gia đình và cho xã hội.

Theo đó, có khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu Covid -19, đặc biệt ở những bệnh nhân đã trải qua điều trị hồi sức tích cực. Người nhiễm Covid -19 nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi khỏi bệnh vẫn còn đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài như sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, khớp, rụng tóc, xơ phổi, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, rối loạn nội tiết, huyết học bị huyết khối… Có trường hợp xuất hiện rối loạn tiêu hóa (ăn không ngon miệng, chán ăn, đau dạ dày, tiêu chảy), rối loạn vị giác hoặc khứu giác, phát ban…

Người bệnh trong giai đoạn hậu Covid-19 cũng có thể gặp các triệu chứng về tâm thần kinh như rối loạn tâm lý, giảm sự tập trung, lo âu, trầm cảm, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ, mau quên, không tập trung; thường xuất hiện tình trạng não sương mù, nhận thức kém, đọc chậm, giảm trí nhớ ngắn hạn, thay đổi tâm trạng.

Với người có sẵn bệnh nền như bệnh tim mạch, tiểu đường, đặc biệt là hô hấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn, khi Covid -19 xảy ra trên nền bệnh đó có thể khiến tổn thương vốn có của họ trở nên nặng hơn. Một số người khỏi bệnh sau khi mắc Covid -19 nghiêm trọng có thể gặp phải các ảnh hưởng xấu tới đa cơ quan hoặc bệnh tự miễn dịch trong một thời gian dài kèm theo các triệu chứng trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Không chỉ biểu hiện bằng các triệu chứng lâm sàng kể trên, người bệnh còn có thể xuất hiện những bất thường cận lâm sàng như tăng men tim kéo dài, rối loạn đường huyết, rối loạn hormon giáp, giảm độ lọc cầu thận, rối loạn chức năng hô hấp như giảm độ khuếch tán phổi, hạn chế dung tích phổi; bất thường hình ảnh học, xơ phổi, giãn phế quản trên CT scan ngự; rối loạn chức năng tâm thất qua siêu âm tim…

Với tình trạng F0 đang có xu hướng nhiều hơn và hầu hết đều không triệu chứng như hiện nay, và do không triệu chứng, nhiều người vẫn đi làm và ra ngoài bình thường cho đến khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính nên đây sẽ là nguồn phát tán virus. Vì vậy, người dân nếu không may bị nhiễm bệnh cần bình tĩnh, không quá lo lắng. Không riêng F0 hay F1, mà tất cả mọi người cần tuân thủ tốt 5K, hạn chế đi lại, tiếp xúc nhiều. Khi thấy dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe cần test Covid-19 tại nhà. Nếu dương tính, cần báo ngay cho cơ sở y tế nơi cư trú để được tư vấn, điều trị.

Để góp phần hạn chế tình hình dịch bệnh, mọi người dân không nên chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tích cực phản ánh, phê phán mạnh mẽ các hành động chủ quan, không tuân thủ đúng quy định phòng chống dịch; chủ động tự phòng bệnh và chữa bệnh cho mình theo hướng dẫn. Lực lượng y tế và các lực lượng tình nguyện luôn sẵn sàng túc trực, tham gia hướng dẫn, tư vấn và hỗ trợ bệnh nhân Covid – 19. 

Hải Yến

Thông tin về phòng, chống dịch bệnh Covid-19