Đường dây nóng

069 262 1436 / 096 507 1010

Linh hoạt chuyển trang thái phòng, chống dịch trong tình hình mới

Với quan điểm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết nên khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc trong ngày tăng, Vĩnh Phúc đã có bước chuyển mới về nhận thức, tư duy và phương thức tổ chức phòng, chống dịch hiệu quả từ điều trị F0 tập trung sang điều trị F0 tại nhà, thực hiện phương châm phòng chống dịch từ sớm, từ xa, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, vật tư y tế và cả tâm lý để ứng phó mọi tình huống dịch bệnh; đạt mục tiêu giảm các ca bệnh từ thể nhẹ sang thể nặng, giảm tối thiểu, thậm chí tuyệt đối hạn chế các ca từ vong.

Còn nhớ khoảng thời gian này 2 năm trước, khi xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên là địa phương đầu tiên trong cả nước có các ca dương tính với SARS-CoV-2, người dân trên địa bàn tỉnh đã vô cùng hoang mang, lo lắng và đổ xô đi mua, tích trữ khẩu trang, nước sát khẩn, lương thực, thực phẩm khiến thị trường các mặt hàng này khan hiếm, thậm chí là “cháy hàng” trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên đến nay, sau hơn 2 năm thích ứng, sống chung với dịch bệnh, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai đồng bộ các giải pháp, từ điều tra, truy vết, khoanh vùng, đón đầu, đánh chặn đến lập các chốt ra/vào tỉnh và giao các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương, tổ dân phố, thôn xóm, từng gia đình lập các chốt kiểm soát,  Vĩnh Phúc đã tạo sự chuyển biến mới về tư duy, nhận thức và phương pháp chống dịch. Thay vì lúng túng, chờ đợi cấp trên chỉ đạo, từng cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào tình hình, diễn biến dịch bệnh thực tế đã chủ động, linh hoạt hơn trong việc đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch. Người dân ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh, từ người già cho đến trẻ nhỏ hiểu rõ hơn về lợi ích của tiêm vắc xin, thực hiện tốt hơn thông điệp 5K, không còn hoang mang, lo lắng mà chủ động hơn trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, trong những ngày qua, dù số ca F0 trong cộng đồng liên tục tăng nhưng người dân không đô xô đi mua, tích khẩu trang, nước sát khuẩn, kit test và chỉ mua lương thực, thực phẩm đủ dùng, giúp cho thị trường các mặt hàng này ổn định và cuộc sống của mỗi gia đình không có nhiều xáo trộn.

Điều trị F0 tại nhà- bước chuyển mới trong công tác phòng, chống dịch ở Vĩnh Phúc

Trong công tác điều trị, từ hiệu quả triển khai thí điểm điều trị F0 tại nhà ở thành phố Vĩnh Yên và huyện Yên Lạc, trước tết nguyên đán Nhâm Dần, Vĩnh Phúc đã thống nhất triển khai thực hiện song song điều trị F0 tại các cơ sở điều trị và điều trị tại nhà/nơi lưu trú tại tất cả các xã, phường, thị trấn, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Điều này không chỉ giảm áp lực cho các cơ sở điều trị Covid-19 tập trung mà còn phù hợp với tình hình thực tế khi tỉnh đang thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Ông Lê Hồng Trung, Giám đốc Sở Y tế cho biết, đến hết ngày 21/2, 100% xã, phường, thị trấn đã sẵn sàng thực hiện điều trị tại nhà/nơi cư trú, với trên 23.600 bệnh nhân đang điều trị tại nhà, trong đó 96,5% bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng. Đặc biệt, dù số ca F0 điều trị tại nhà tăng, chiếm trên 80% tổng số bệnh nhân đang mắc Covid-19 nhưng không có chuyển biến nặng được coi là bước tiến của khoa học, hiệu quả của việc tiêm vắc xin và là thành tựu trong công tác chỉ đạo, điều hành, chuyển trạng thái phòng chống dịch một cách linh hoạt, hiệu quả của Vĩnh Phúc. “Ngoài được hưởng các chính sách hỗ trợ như điều trị tập trung, các trường hợp F0 điều trị tại nhà sẽ thường xuyên được cán bộ y tế, tổ Covid-19 cộng đồng thăm khám, hướng dẫn, cấp phát thuốc và không có trường nào bị bỏ quên, không được thăm khám hay không được phát thuốc. Đây là việc chuyển từ nhận thức, cho đến tư duy, triển khai thực hiện của Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã, ngành y tế, mặt trận tổ quốc”- Giám đốc Sở Y tế Lê Hồng Trung khẳng định.

Linh hoạt thích ứng với tình hình dịch bệnh, nhất là số ca nhiễm trong ngày đối với giáo viên, học sinh tăng nhiều so với trước tết, với khoảng từ 400-600 ca/ngày, ngay sau buổi làm việc trực tiếp, lấy ý kiến của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố, chiều ngày 19/2, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đã ký ban hành Văn bản số 957 về việc bảo đảm an toàn cho học sinh trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, các huyện, thành phố chủ động phối hợp với các ngành: Y tế, Giáo dục và Đào tạo đánh giá mức độ lây lan dịch bệnh trong trường học để quyết định hình thức tổ chức dạy học bảo đảm an toàn cho học sinh và phù hợp nguyện vọng của phụ huynh. Trong đó, các trường mầm non tiếp tục mở cửa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh học sinh, tạo điều kiện để phụ huynh tham gia lao động, sản xuất. Các trường Tiểu học, THCS chuyển trạng thái sang học trực tuyến từ ngày 21/02/2022 cho đến khi có thông báo mới của Ban chỉ đạo huyện, thành phố. Các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX duy trì dạy học trực tiếp; thực hiện dạy, học trực tuyến với học sinh thuộc diện F0, F1, kể cả các học sinh có yếu tố bệnh nền nếu phụ huynh có yêu cầu và cam kết bảo đảm các điều kiện học trực tuyến hiệu quả. Quyết định này của UBND tỉnh đưa ra theo hướng mở, được cho là phương án tối ưu, vừa bảo đảm an toàn cho các đối tượng học sinh, vừa bảo đảm chất lượng dạy và học, đáp ứng nhu cầu của các phụ huynh, gia đình học sinh trước tình hình lây lan dịch bệnh trong cộng đồng và điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại.

Để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người lao động, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, sau kỳ nghỉ tết nguyên đán, Vĩnh Phúc đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tất cả công nhân, người lao động; thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K+ vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức” và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; phối hợp với UBND, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế trong việc vận chuyển người mắc Covid-19 tại các doanh nghiệp đến nơi điều trị.

Ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Dịch bệnh đã tràn vào các doanh nghiệp, với số lượng công nhân, người lao động là F0, F1 liên tục tăng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã phải thay đổi kế hoạch sản xuất, một số dây chuyền phải tạm dừng hoạt động hoặc phải thực hiện cách lý cả phân xưởng, dây chuyền…

Tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, Ban quản lý các khu công nghiệp sẽ chủ động phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh có các cơ chế, chính sách phù hợp, để giúp doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh, không để doanh nghiệp thiếu hụt lao động. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp thường xuyên thực hiện việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch một cách phù hợp theo quy định. Tăng cường tuyên truyền cho công nhân từ nơi làm việc trở về địa phương hạn chế tối đa hoặc tốt nhất là không được tiếp xúc với người khác để giảm nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Thường xuyên rà soát người lao động chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19, nhất là những công nhân nữ có thai trên 13 tuần, người có bệnh lý nền đăng ký với Ban chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 các huyện, thành phố, thực hiện tiêm chủng kịp thời, bảo đảm an toàn, hiệu quả phòng, chống dịch. “Doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế nhưng trong bối cảnh này, những doanh nghiệp không tuân thủ nghiêm các yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch, để phát sinh hậu quả nghiêm trọng hoặc tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh trên diện rộng thì cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương có thể ngay lập tức yêu cầu đóng cửa, dừng sản xuất để bảo đảm an toàn cho cộng đồng và xã hội”- ông Phương cho biết.

Chuyển trạng thái phòng, chống dịch và tập trung phát triển kinh tế, tại cuộc giao ban với các huyện, thành phố về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch chiều 19/2, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, ngoài quản lý, giảm thiểu việc tăng các ca F0 thì mục tiêu chính của Vĩnh Phúc là giảm các ca chuyển từ bệnh nhân thể nhẹ sang thể nặng, giảm tối thiểu, thậm chí là tuyệt đối các ca tử vong. Do đó, với nguyên tắc phòng chống dịch là làm từ sớm, từ xa, rà soát từ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, thuốc, kit test, các trang thiết bị bảo hộ, nhất là chuẩn bị nhận thức cũng như là tâm lý, thái đội của người dân đối với dịch bệnh.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Tăng cường rà soát đến từng nhà theo phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng chưa được tiêm để tổ chức tiêm thần tốc, bảo đảm an toàn sức khỏe cho dân. Ngành Y tế chuẩn hóa các hướng dẫn, các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch đối với từng cấp, từng, ngành; trang bị thêm các thiết bị, có hướng điều trị đối với những bệnh nhân F0 có bệnh nền tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Tăng cường điều trị F0 tại các Trung tâm Y tế, phân tầng, phân khu điều trị đối với bệnh nhân F0 và bệnh nhân không mắc Covid-19.  

Các huyện, thành phố mở rộng, tăng quy mô điều trị F0, dự phòng ít nhất khoảng 30% số giường bệnh để kịp thời tiếp nhận các bệnh nhân F0 có chuyển biến nặng. Bổ sung nhân lực cho ngành Y tế, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin; tăng cường tập huấn đối với các lực lượng. Công an tỉnh rà soát, thống kê tìm rõ các nguyên nhân khiến dịch bệnh tăng cao trong cộng đồng; thống kê việc bàn giao F0 giữa các doanh nghiệp với chính quyền địa phương và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các đơn vị, doanh nghiệp không thực hiện bàn giao, làm dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng. Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh tính toán cơ chế hỗ trợ cho bệnh nhân F0, các trường hợp F1 điều trị, cách ly y tế tại nhà.

2/3 thời gian của quý I sắp đi qua, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2022, nhất là tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện tốt các nội dung đã ký kết với BTV Tỉnh ủy, linh hoạt, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo sự công bằng cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc tiếp cận chính sách và mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Thanh Nga

Thông tin về phòng, chống dịch bệnh Covid-19