Đón tết nơi tuyến đầu chống dịch
Tết Nhâm Dần 2022, nhiều y, bác sỹ lại “bỏ lỡ” khoảnh khắc sum vầy năm mới bên gia đình, người thân, hy sinh niềm vui tết của cá nhân để giữ trọn vẹn hơn mùa xuân của cộng đồng, của đất nước. Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên những ngày giáp tết không đông người đến khám, điều trị bệnh nhưng tại tất cả các địa điểm, từ khu khai báo y tế, test Covid-19, nơi tiếp nhận, hướng dẫn bệnh nhân cho đến các khoa, phòng đều có lực lượng y tế túc trực thực hiện nhiệm vụ như ngày thường. Thậm chí còn tất bật hơn vì Phúc Yên đang là một trong những địa phương có số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng nhiều nhất. Vừa theo dõi, kiểm tra lại nhịp tim, huyết áp cho 1 bệnh nhân hơn 80 tuổi thoát khởi cơn nguy kịch, bác sỹ Triệu Thị Lý, Khoa Hồi sức tích cực cho biết: “Khoa Hồi sức tích cực có 9 bác sỹ, 26 y tá, điều dưỡng chia theo các kíp trực. Trung bình mỗi ngày, khoa điều trị cho 30-40 bệnh nhân. 18 năm theo nghề, tôi đã quen với áp lực, cường độ công việc, nhất là việc trực tết, đón giao thừa muộn hay không có tết vì đến điều trị tại khoa đều là những bệnh nhân nặng, trong đó có nhiều bệnh nhân phải can thiệp tim, phổi và phần lớn tuổi cao, sức yếu.” Đêm muộn, bác sỹ Lý liên tục phải rảo bước thăm khám, theo dõi sức khỏe cho từng ca bệnh Riêng tết năm nay, dù lượng bệnh nhân ăn tết tại bệnh viện ít hơn ngày thường và ít hơn các tết trước (với khoảng 15-20 người) nhưng lại là một cái tết tất bật và buồn nhất của các y, bác sỹ bởi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bệnh viện không thể tổ chức đón tết chung cho hơn 800 cán bộ, y, bác sỹ như mọi năm mà các khoa tự lựa thời gian phù hợp để tổ chức tết cho các ê kịp trực, bệnh nhân và người nhà chăm sóc bệnh nhân. Theo bác sỹ Lý, hiện có khoảng 11/20 ca bệnh ở xuyên tết tại khoa đều phải dùng máy thở và có bệnh lý nền. Do đó, để bảo đảm phòng chống dịch, khoa đã yêu cầu mỗi bệnh nhân chỉ được 1 người nhà chăm sóc và ăn tết tại bệnh viện. Về lý thuyết, nếu tình hình sức khỏe các bệnh nhân tiến triển tốt hơn, ổn định hơn, các y, bác sỹ trực tết còn tranh thủ được chút thời gian vui tết hoặc gọi điện thoại chúc tết, nói chuyện qua zalo với chồng, con, bố mẹ, bạn bè. Còn nếu có các ca bệnh chuyển biến nặng trong đêm giao thừa thì chắc chắn bác sỹ, y tá sẽ quay cuồng hết nguyên ca trực và cường độ làm việc thường xuyên phải gấp đôi, thậm chí gấp ba để cứu sống bệnh nhân, mang lại cái tết yên bình cho người nhà bệnh nhân. Tại Khoa Khám bệnh, lượng bệnh nhân đến khám giảm khoảng 60-70% so với ngày thường nhưng ê kịp trực của khoa này cũng luôn sẵn sàng phục vụ người bệnh và cả tâm thế lên đường chi viện cho các bệnh viện dã chiến hay đi lấy mẫu, hướng dẫn người dân điều trị F0, cách ly F1 tại nhà. Bác sỹ Nguyễn Văn Đoài, Khoa Khám bệnh cho biết, vợ chồng anh có hơn 10 năm công tác tại bệnh viện. Những năm trước không có dịch bệnh, 2 vợ chồng được tạo điều kiện cho nghỉ trực tết cùng nhau để tranh thủ đưa 2 con về đón tết quê nội ở Phú Thọ và quê ngoại ở Hải Dương. Nhưng 2 năm nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là trong dịp tết này, mỗi ngày ở Phúc Yên có hàng chục ca bệnh trong cộng đồng nên 2 vợ chồng đành bỏ lỡ khoảnh khắc sum vầy năm mới bên gia đình để góp phần cùng tập thể bệnh viện mang lại sự sống, sức khỏe cho người bệnh. Hiện 2 cậu con trai đã được gửi về quê nội; vợ anh làm y tá đang trực tại Khoa Thận nhân tạo nhưng do dịch bệnh, việc hạn chế đi lại giữa các khoa phòng để phòng, chống dịch nên 3 ngày qua, 2 vợ chồng cũng chưa được gặp nhau, chỉ tranh thủ nói chuyện, dặn dò nhau giữ gìn sức khỏe qua điện thoại. Ông Hoàng Văn Chiến, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên cho biết, bệnh viện có 42 khoa, phòng, 813 cán bộ, y, bác sỹ, điều dưỡng, 1.300 giường bệnh. Rút kinh nghiệm từ việc có ca nhiễm Covid-19 và bệnh viện phải thực hiện cách ly y tế từ ngày 2/5 đến ngày 25/5/2021, thời gian qua, cùng với nhiệm vụ khám, điều trị bệnh, bệnh viện đặc biệt qua tâm đến công tác phòng, chống dịch; thực hiện tiêm vắc xin phòng dịch, lấy mẫu xét nghiệm cho các cơ quan, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn. Trong năm 2021, Bệnh viện đã hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số bệnh nhân nặng đang điều trị tại các khoa, phòng nhiều nên rất khó để bảo đảm việc sắp xếp cho cán bộ, y, bác sỹ nghỉ tết mà chỉ có một nhóm rất nhỏ như nuôi con nhỏ, hoàn cảnh đặc biệt hoặc trong ekip đã tham gia chi viện cho thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các bệnh viện dã chiến của tỉnh sẽ được đón tết nguyên đán cùng người thân. “Tết đến xuân về, ai cũng mong muốn được sum vầy bên gia đình, nhất là sau 2 năm căng mình chống dịch nhưng trong bối cảnh này, chúng tôi càng phải động viên anh em cố gắng và cũng hy vọng trong thời gian tới, dịp bệnh được đẩy lùi, số lượng bệnh nhân giảm, điều kiện chống dịch sẽ khác thì anh em sẽ đỡ vất vả hơn”- ông Chiến nhấn mạnh. Tại Bệnh viện dã chiến số 1 – tuyến cao nhất điều trị các bệnh nhân F0 của tỉnh, các y, bác sỹ không có khái niệm tết vì liên tục có ca F0 được chuyển vào điều trị. Bác sỹ Nguyễn Kim Hiệp- một trong những người có thời gian ở Bệnh viện dã chiến số 1 lâu nhất, với 3 đợt trực chia sẻ, anh có mặt tại bệnh viện dã chiến số 1 từ đầu tháng 5/2021. “Chúng tôi luôn xác định rằng những ca F0 vào đây là người thân và họ đặt niềm tin vào mình nên bên cạnh nhiệm vụ điều trị bệnh, bảo vệ tính mạng và không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện, chúng tôi còn phải là những nhà “tâm lý học” thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp các bệnh nhân ổn định tâm lý, không hoang mang, lo sợ, vơi đi nỗi buồn.” Theo bác sỹ Hiệp, nhiều bệnh nhân F0 vào đây là cụ già và trẻ nhỏ nên đội ngũ y, bác sỹ tại Bệnh viện dã chiến phải đóng cả 2 vai, vừa điều trị bệnh, vừa là chỗ dựa tinh thần Theo bác sỹ Hiệp, Bệnh viện dã chiến số 1 đang điều trị 115 bệnh nhân F0, trong đó có 18 ca bệnh phải sử dụng máy thở. Số bệnh nhân vào điều trị và phải sử dụng máy thở sẽ còn tăng do số ca F0 trong cộng đồng liên tục tăng và số người cao tuổi có bệnh nền vào điều trị nhiều. Do đó các y, bác sỹ trong kíp trực xuyên tết đều xác định sẵn cho mình tâm thế không có tết bên người thân, gia đình và luôn phải tạo ra không khí vui tươi, niềm tin chiến thắng dịch bệnh để các bệnh nhân F0 và cả những F1 vào chăm sóc các ca F0 còn nhỏ tuổi, bệnh nhân tuổi cao đều cảm thấy yên tâm, vui xuân đón tết ở bệnh viện. “Năm mới ai cũng muốn về với gia đình. Nhưng bệnh nhân còn cần, chúng tôi còn ở lại bệnh viện. Niềm hạnh phúc lớn của tôi và đồng nghiệp là mỗi ngày có nhiều bệnh nhân xuất viện, khỏe mạnh, trở lại cuộc sống bình thường” – bác sỹ Hiệp cho biết. Chính thức nhận bàn giao nhiệm vụ trưởng Khoa Điều trị tại bệnh viện dã chiến số 1 từ ngày 20/1/2022, bác sỹ Đinh Văn Hải cho biết: “Hai năm gồng mình chống dịch Covid-19, chúng tôi luôn xác định tâm thế và hành trang sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ bất kể khi nào. Vào trực tết trong bệnh viện dã chiến số 1 chưa hẳn là chúng tôi sẽ vất vả hơn các y, bác sỹ trực ở bệnh viện tuyến ngoài nhưng chắc chắn cường độ làm việc sẽ phải khẩn trương hơn, các đêm không được ngồi nghỉ hay tranh thủ chợp mắt sẽ nhiều hơn. Bởi vừa thường xuyên thăm khám, thuốc men, các y, bác sỹ còn là người trực tiếp chăm sóc các bữa ăn, chuyện vệ sinh cho người bệnh”. Theo bác sỹ Hải, kíp trực xuyên tết có 46 người, trong đó có 38 y, bác sỹ. Công đoàn Bệnh viện đa khoa tỉnh sẽ chuẩn đào, quất, các nhu yếu phẩm để mọi người đều có cảm giác được đón tết, nhất là vào khoảnh khắc giao thừa. “Dù không được sum vầy cùng gia đình nhưng chúng tôi không phiền lòng khi đổi lại, người dân có được niềm vui và sự an toàn khi đón xuân mới.” – bác sỹ Hải nói. Theo thông tin từ Sở Y tế, dịch bệnh Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp trong những ngày nghỉ tết. Số ca mắc trong cộng đồng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi người dân vẫn còn tụ tập ăn uống, chúc tụng nhau và lơ là quy định phòng chống dịch. Ngay lúc này, cách thiết thực nhất để sẻ chia, hỗ trợ lực lượng y tế đỡ vất vả hơn trong những ngày tết là ý thức phòng chống dịch, tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng của mỗi người dân. Thanh Nga |