Dịch COVID-19 được kiểm soát, sức khỏe nhân dân được chăm lo… có sự đóng góp của các phong trào thi đua
Kết luận nêu rõ, tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, kinh tế phục hồi tích cực; quốc phòng, an ninh được giữ vững; an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của Nhân dân được chăm lo… những kết quả đó có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua.
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo 134/TB-VPCP ngày 4/5/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương.
Phong trào thi đua góp phần thắng lợi đại dịch
Thông báo nêu rõ, năm 2021 là năm đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như: tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Kỳ họp thứ 11 – Quốc hội khóa XIV và Kỳ họp thứ nhất – Quốc hội khóa XV đã kiện toàn các chức danh Nhà nước.
Song chúng ta cũng gặp những khó khăn, thử thách to lớn, chưa từng có tiền lệ, đó là dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 ở nhiều địa phương với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế – xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đời sống, sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của các ngành, các cấp, sự đoàn kết, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, sự đóng góp của các doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, kinh tế phục hồi tích cực; quốc phòng, an ninh được giữ vững; an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của Nhân dân được chăm lo; công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng. Niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội. Những kết quả đó có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua.
Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát nhờ có sự đóng góp của các phong trào thi đua.
Thông báo kết luận nhấn mạnh: “Công tác thi đua, khen thưởng được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả, sát với thực tế. Việc khen thưởng các trường hợp có thành tích đột xuất, người trực tiếp lao động, sản xuất, các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phục vụ các nhiệm vụ chính trị và trong phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện kịp thời”.
Đặc biệt, hưởng ứng Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch COVID-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát động Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã đẩy mạnh phong trào thi đua, tập trung giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, nhất là phòng, chống dịch bệnh, qua đó góp phần thắng lợi trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội
Thông báo cũng nêu rõ, trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng năm vừa qua, chúng ta cần rút ra một số bài học kinh nghiệm, cụ thể:
Một là, các bộ, ngành, địa phương cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Càng khó khăn thì càng phải thi đua” để huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2022.
Hai là, cần bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, căn cứ tình hình thực tiễn để tổ chức các phong trào thi đua phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, địa phương, bảo đảm khả thi, thiết thực, hiệu quả, tránh bệnh hình thức.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về thi đua, khen thưởng tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ nhằm thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Thông báo nhấn mạnh, công tác thi đua, khen thưởng cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu: Tổ chức phát động phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết Hội đồng nhân dân các cấp. Đẩy mạnh thi đua thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Đổi mới phong trào thi đua, gắn chặt với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị theo tinh thần “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.
Tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” và các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động gắn với Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025); Nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, kịp thời, có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương.
Thủ tướng giao Bộ Nội vụ thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về công tác khen thưởng thành tích, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp sắp tới. Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng Kế hoạch triển khai Luật để tổ chức triển khai ngay sau khi được ban hành.
Xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị chuyên đề để đánh giá sâu sắc, toàn diện các phong trào thi đua trong Quý II năm 2022 nhằm tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, tiếp tục củng cố, phát triển các phong trào đang triển khai trong cả nước, đồng thời nghiên cứu kỹ lưỡng, phát động phong trào mới thiết thực, gắn với thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị tại các Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Nguồn: covid19.gov.vn