Đường dây nóng

069 262 1436 / 096 507 1010

Biến thể Delta lây lan mạnh gấp 1.000 lần bản gốc SARS-CoV-2

Virus SARS-CoV-2 nguy hiểm ở chỗ nó có nhiều biến thể và các biến thể thường có mức lây nhiễm mạnh hơn nhiều, tiêu biểu là Delta. Để đối phó hiệu quả với đại dịch này trong giai đoạn mới, cần phải áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp.


Nhân viên y tế Australia tại một điểm xét nghiệm Covid-19. Ảnh: AFP

Cuộc chiến chống Covid-19 bước sang giai đoạn mới với mối đe dọa lớn từ biến thể Delta

Việc phong tỏa vùng Sydney (Australia) bắt đầu vào ngày 26/6/2021 nhưng một tháng sau, bang New South Wales của nước này vẫn ghi nhận khoảng 100 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày. Ngoài ra người ta cũng đang chứng kiến virus này lây lan ra ngoài các cụm ngoại ô phía Đông. SARS-CoV-2 sau đó lan từ New South Wales tới bang Victoria láng giềng, kéo theo một cuộc phong tỏa ở đó, kế tiếp là vùng Nam Australia.

Delta là biến thể có sức lây nhiễm mạnh nhất trong các phiên bản của virus SARS-CoV-2. Phiên bản gốc của virus này – được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc) đã bị chủng D614G có sức lây lan mạnh hơn vượt qua vào tháng 3/2020 và virus đó chịu trách nhiệm cho làn sóng Covid-19 thứ hai ở bang Victoria (Australia).

Sang đến tháng 9/2020, biến thể Alpha xuất hiện ở Anh Quốc, biến thể này lại vượt mặt D614G về độ truyền nhiễm. Alpha dường như ngự trị thế giới vào đầu năm 2021 nhưng rồi lại xuất hiện thêm “quái vật” Delta – biến thể này đã càn quét cả thế giới. Biến thể này có những đột biến khiến nó vượt xa cả Alpha về độ lây nhiễm và có thể tránh né khả năng miễn dịch do các vaccine tạo ra.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng lượng virus văng ra từ người nhiễm Delta là cao gấp hơn 1.000 lần so với chủng virus gốc phát hiện ở Vũ Hán năm 2020. Một nghiên cứu khác lại cho thấy, Delta tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện, điều trị cấp cứu, và tử vong.

Do vậy chiến lược xét nghiệm và truy vết thành công của bang New South Wales vốn đã giúp khống chế đợt bùng phát ở khách sạn Crossroads một năm trước mà không cần phong tỏa chặt chẽ thì nay không còn hiệu quả nhiều trước biến thể Delta nữa.

Delta gây nhiều khó khăn cho công tác chống dịch. Khi chưa có đủ vaccine cho mọi người thì việc kiểm soát dịch bệnh đòi hỏi:

1- Nhận diện tất cả các ca mắc mới bằng xét nghiệm và cách ly để ngăn ngừa việc lây nhiễm thêm.

2- Truy vết tất cả các tiếp xúc với F0 và cách ly họ trong thời kỳ ủ bệnh, để họ không làm lây nhiễm thêm ra ngoài. SARS-CoV-2 lây rất mạnh ở cả những bệnh nhân không triệu chứng, nên nếu không có truy vết tiếp xúc thì những người này sẽ tiếp tục làm lây nhiễm cho người khác mà không hề biết về điều đó. Truy vết ngược cũng quan trọng vì điều này giúp phát hiện đối tượng gây ra lây nhiễm.

3- Sử dụng khẩu trang để giảm lượng virus hít phải cho người khỏe mạnh cũng như giảm lượng virus thở ra đối với người nhiễm bệnh.

4- Thực hành giãn cách xã hội để giảm tiếp xúc giữa người với nhau và do đó giảm lây nhiễm. Phong tỏa là mức cao nhất của giãn cách xã hội.

Duy trì biện pháp tránh tiếp xúc song song với đẩy mạnh tiêm vaccine

Cuộc chiến chật vật chống Covid-19 ở Sydney không có nghĩa rằng truy vết và xét nghiệm không có tác dụng nào cả. Trên thực tế, cho đến ngày 16/7/2021, các biện pháp đó vẫn có tác dụng, thể hiện qua sự gia tăng thời gian cần thiết để số ca mắc bệnh tăng gấp đôi (nói cách khác là tốc độ lan truyền chậm lại).

Tuy nhiên sau khi đợt bùng phát dịch bệnh trên lan tới Tây Nam Sydney, thì dịch bệnh này bắt đầu phát triển, khiến người ta phải áp dụng phong tỏa mở rộng và nghiêm khắc hơn.

Truy vết, cách ly, và xét nghiệm diện rộng vẫn là hòn đá tảng trong kiểm soát đại dịch Covid-19, đặc biệt là khi phần lớn người dân thế giới vẫn chưa tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Một nghiên cứu chi tiết cho thấy thời gian trung bình từ khi phơi nhiễm đến khi mắc bệnh là 6 ngày vào năm 2020, nhưng giờ đây với Delta chỉ mất 4 ngày. Điều này khiến việc nhận diện các tiếp xúc trước khi họ nhiễm bệnh trở nên khó khăn hơn.

Cơ quan y tế New South Wales báo cáo rằng khi họ bắt đầu truy vết, họ phát hiện ra rằng gần như 100% số thành viên hộ gia đình đã bị nhiễm SARS-CoV-2 so với khoảng 30% vào năm ngoái (2020). Ở Nam Australia, người ta báo cáo rằng người dân bị nhiễm hoặc đã nhiễm trong thời gian 24 tiếng đồng hồ tiếp xúc.

Vậy Australia cần xử lý thế nào trong tình huống này?

Thứ nhất, họ cần tiêm chủng khẩn cấp. Hiện chỉ 12% dân số Australia mới được tiêm vaccine đầy đủ – tình trạng này sẽ khiến cho người dân Australia ở trong thế dễ phải hứng chịu tiếp các đợt bùng phát nghiêm trọng nữa của đại dịch này, đặc biệt là với biến thể Delta.

Ở các nước như Israel, nơi có tới hơn 60% dân số đã tiêm chủng đầy đủ, Delta dù gây ra các đợt bùng nổ nhưng người dân phần lớn tránh được nguy cơ nhập viện và tử vong.

Nhưng mặt khác Australia cũng không thể từ bỏ nỗ lực và để cho chủng Delta hoành hành chỉ vì người dân muốn duy trì cuộc sống như trước đây. Vẫn phải tiếp tục tiến hành cách ly để bảo vệ cộng đồng./.

Nguồn:vov.vn

Thông tin về phòng, chống dịch bệnh Covid-19