Doanh nghiệp chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt phòng chống dịch bệnh
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và Vĩnh Phúc đã chuyển trạng thái phòng chống dịch mới, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã có những điều chỉnh, thay đổi để vừa mở cửa sản xuất kinh doanh vừa ngăn chặn dịch và thích ứng an toàn với tình hình mới.
Ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, trải qua 2 năm sống chung với 4 đợt dịch nhưng đây là thời điểm Vĩnh Phúc có nhiều doanh nghiệp, nhiều công nhân, lao động mắc Covid-19 nhất. Để bảo đảm chuỗi cung ứng, sản xuất và an toàn cho người lao động, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo phương châm “mỗi doanh nghiệp là một pháo đài vững chắc trong việc kiểm soát và phòng, chống dịch”. Tiếp tục phát huy hiệu quả của tổ an toàn covid-19 tại doanh nghiệp. Thường xuyên xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho tất cả công nhân, người lao động và hiện nghiêm nguyên tắc “5K+ vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức”. Chủ động phối hợp với UBND, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các huyện, thành phố, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế trong việc vận chuyển người mắc Covid-19 tại doanh nghiệp đến cơ sở điều trị tập trung hoặc về điều trị tại nhà. Cùng với đó, rà soát người lao động chưa được tiêm vắc xin, nhất là công nhân nữ có thai trên 13 tuần, người có bệnh lý nền, đăng ký với Ban chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắn xin phòng Covid-19 các huyện, thành phố, thực hiện tiêm chủng kịp thời, bảo đảm an toàn, hiệu quả phòng, chống dịch.
Theo ông Phương, dù khó khăn khi vừa phải bảo đảm phòng chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nhưng phần lớn các doanh nghiệp không lúng túng mà đã linh hoạt, chủ động hơn trong việc thay đổi kế hoạch sản xuất kinh doanh; thay đổi kịch bản phòng chống dịch để bảo đảm sức khỏe cho công nhân, lao động. Còn người lao động không hoang mang, lo lắng, thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch và chủ động báo cáo tình hình sức khỏe, test nhanh Covid-19, khai báo với doanh nghiệp và chính quyền địa phương khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS – COV – 2.
Với phương châm tận dụng các cơ hội để mở cửa sản xuất kinh doanh nhưng không mở cửa cho dịch bệnh tràn vào, ngay những tháng đầu năm, các doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là doanh nghiệp trong các khu cộng nghiệp đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp để thích ứng với tình hình mới. Chẳng hạn như tại Công ty TNHH TSUCHIYA TSCO Hà Nội – doanh nghiệp đầu tiên đi vào hoạt động ở khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc từ tháng 12/2018.
Ông Nguyễn Công Huân, Trưởng khối văn phòng Công ty cho biết: TSUCHIYA TSCO Hà Nội chuyên sản xuất các sản phẩm lông mịn phục vụ trong xây dựng và nội thất gồm: Ecopolyseal (dùng cho cửa nhôm), Kertmounted (dùng cho cửa gỗ), Latex, Sealboy đáp ứng nhu cầu lấp kín các khe hở trong các cấu trúc khung/cánh cửa, ngăn côn trùng và bụi…với dây chuyền hiện đại, công suất từ 3 – 5 triệu mét tấm dệt lông mịn/tháng, công ty tạo việc làm ổn định cho trên 260 lao động.
Theo ông Huân, sau tết nguyên đán, dịch bệnh đã xuất hiện trong doanh nghiệp. Hiện TSUCHIYA TSCO Hà Nội có 13 trường hợp F0, 40 F1 đang thực hiện cách ly y tế. Dù phải đến tháng 6 trở đi mới là cao điểm sản xuất nhưng có đến 1/4 người lao động đang nghỉ việc và con số này có thể còn tăng trong những ngày tới đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty gặp không ít khó khăn. Trước tình hình này, ban lãnh đạo công ty đã có nhiều cuộc họp nhằm cân bằng chiến lược cắt giảm chi phí mà không gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp và chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố giúp tăng trưởng. Từ đầu tháng 2 đến nay, công ty đã sắp xếp lại dây chuyền sản xuất, tăng từ 1-2 ca sản xuất/ngày lên 3 ca sản xuất/ngày, bảo đảm dây chuyền sản xuất hoạt động 24/24 giờ và bảo đảm tăng thu nhập, tăng suất ăn ca cho công nhân.
Với mục tiêu đạt doanh thu từ 7-8 triệu USD trong năm 2022, Tsuchiaya TSCO sẽ tăng cường đàm phán, mở rộng hợp tác với các đối tác mới; tập trung nghiên cứu, phát triển các mặt hàng phục vụ cho sản xuất, thay thế, sửa chữa máy in, các thiết bị văn phòng phẩm; sản xuất thêm các linh kiện tấm nhựa bảo vệ cánh cửa ô tô, tàu tĩnh điện, các thiết bị trong máy in, máy hút bụi, máy điều hòa cho các thương hiệu hàng đầu thế giới nhu Fuji Xerox, Ricoh, Canon, Brother, Samsung…Đặc biệt, để ứng phó với tình hình dịch bệnh kéo dài, công ty cũng đã tính đến việc đào tạo, tuyển dụng thêm lao động để kịp thời bổ sung cho số lao động nghỉ việc vì Covid-19.
Là doanh nghiệp doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, chuyên sản xuất bảng mạch điện tử, bảng mạch dán bề mặt, màn hình cảm ứng cho các hãng smartphone nổi tiếng trên thế giới, 8 năm qua, Công ty TNHH InterFlex Vina, khu công nghiệp Bá Thiện, huyện Bình Xuyên đều lên kế hoạch xây dựng rủi ro trong sản xuất kinh doanh.
InterFlex Vina xây dựng các vách ngăn giữa các bộ phận để phòng dịch
Theo đại diện công ty, hiện InterFlex Vina có hơn 3.000 lao động, trong đó có hơn 100 ca nhiễm Covid-19. Nhận thức rõ mức độ nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, công ty đã yêu cầu người lao động thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch của tỉnh; thường xuyên test nhanh cho toàn bộ người lao động; yêu cầu các chuyên gia thực hiện “một cung đường, hai điểm đến”, không di chuyển đến những nơi khác ngoài công ty và nơi cư trú. Cùng với đó, đã thuê xe đưa các F0 về bàn giao cho chính quyền các địa phương; thực hiện sắp xếp, cải tạo lại các phân xưởng bảo đảm thông gió và lắp đặt các máy phun khử khuẩn mini trong nhà xưởng; xây dựng các vách ngăn, yêu cầu 100% công nhân làm việc tại các bộ phận có nguy cơ lây nhiễm dịch đeo kính chắn giọt bắn.
Để không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho các đối tác trong bối cảnh dịch kéo dài, InterFlex Vina cũng đã tính đến đổi mới mô hình sản xuất, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh; chuyển đổi lao động, tái cấu trúc lao động, chú trọng đào tạo, đào tạo lại người lao động và trang bị nền tảng quản trị doanh nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp. Đồng thời, chủ động ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ để biến thách thức thành cơ hội, mở rộng thị trường.
Việc chuyển trạng thái phòng chống dịch để đẩy mạnh phát triển kinh tế vừa là cơ hội nhưng cũng tạo ra những thách thức mới cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế. Để thích ứng, phát triển trong tình hình mới, cùng với sự vào cuộc của chính quyền, từng doanh nghiệp phải tận dụng lợi thế, cơ hội, xu thế và sự sáng tạo, chuyển động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và khả năng tương tác với các doanh nghiệp cùng ngành, doanh nghiệp đối tác. Đặc biệt là phải tạo ra một diện mạo mới, một mô hình kinh doanh mới theo hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo hướng xanh, phát triển bền vững, đủ khả năng kháng cự và chống chịu trong bối cảnh dịch bệnh.
Thanh Nga