Phương án phòng, chống dịch COVID-19 trong khu dân cư
Với mục đích bảo đảm việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong khu dân cư được an toàn, ngày 26/5/2021, Ban chỉ đạo phòng chống covid-19 tỉnh đã ban hành Phương án số 4012/PA-BCĐ về phòng, chống dịch Covid-19 trong khu dân cư, với 2 tình huống bảo đảm an toàn khi khu dân cư không có dịch và ứng phó khi khu dân cư phát hiện có trường hợp mắc COVID-19.
Tình huống 1: Khu dân cư không có dịch (không có ca mắc/nghi ngờ mắc COVID-19)
Đối tượng áp dụng: Người dân sống trong khu dân cư; tổ dân phố/thôn/xóm.
Trách nhiệm của người sống trong khu dân cư
Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và hoạt động tại khu dân cư.
Thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
Hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết; hạn chế tụ tập đông người.
Không khạc, nhổ, vứt rác, khẩu trang bừa bãi; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.
Vệ sinh nhà cửa, lau bề mặt, nền nhà, vật dụng bằng các chất tẩy rửa thông thường. Đặc biệt đối với vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, công tắc điện… vệ sinh ít nhất 01 lần/ngày.
Thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày và đổ đúng nơi quy định.
Đảm bảo thông thoáng không khí trong nhà; thường xuyên mở cửa ra vào và cửa sổ.
Liên hệ các cơ sở y tế để khai báo và được tư vấn, cập nhật tình hình sức khỏe qua ứng dụng khai báo y tế khi hộ gia đình có người già, người cao tuồi, người có bệnh nền, bệnh mãn tính có biểu hiện sốt, ho, khó thở.
Thực hiện cài đặt và bật ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế nếu sử dụng thiết bị di động thông minh.
Kiểm tra thân nhiệt hàng ngày, thông báo kịp thời với cơ sở y tế các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở.
Chủ động khai báo tạm trú, tạm vắng đối với khách đến lưu trú.
Trách nhiệm của Tổ trưởng khu dân cư
Hướng dẫn, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân và các biện pháp phòng, chống dịch tại hộ gia đình.
Yêu cầu chủ hộ gia đình thực hiện nghiêm việc khai báo tạm trú, tạm vắng khi có khách đến lưu trú.
Phối hợp với các cơ quan y tế, chính quyền cơ sở, công an sở tại triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; kiểm tra, theo dõi, giám sát những người phải cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú, những người có biểu hiện sốt, ho, khó thở trên địa bàn.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho người dân.
Trách nhiệm của Tổ Covid-19 cộng đồng
Hàng ngày “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để thực hiện nhiệm vụ:
Tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng chống dịch theo quy định tại từng hộ gia đình. Yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, tự đo thân nhiệt hàng ngày cho các thành viên trong hộ gia đình (nếu gia đình có nhiệt kế). Cung cấp số điện thoại và yêu cầu người dân chủ động khai báo y tế ngay khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện sốt, ho, ốm hoặc các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.
Hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và trạm y tế tuyến xã những trường hợp phát hiện được tại các hộ gia đình như: sốt; ho; đau họng; cảm cúm; ốm mệt; viêm đường hô hấp … để tổ chức cách ly và xét nghiệm kịp thời.
Phát hiện, báo cáo các cấp có thẩm quyền những trường hợp không tự giác khai báo y tế; không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Trợ giúp chính quyền và cơ quan y tế, công an truy vết F1, F2 khi có ca bệnh liên quan ở địa bàn phụ trách.
Thực hiện các nhiệm vụ khác phù hợp với khả năng do Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cấp xã phân công.
Tình huống 2: Khi khu dân cư phát hiện có trường hợp mắc COVID-19
Ngoài các nội dung thực hiện như đã nêu tại tình huống 1, UBND cấp huyện, BCĐ cấp huyện, cấp xã chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ như sau:
Thiết lập chốt, trạm kiểm soát ra/vào khu dân cư
Khảo sát địa lý, địa hình, địa vật toàn khu dân cư.
Lập sơ đồ chốt, trạm kiểm soát tại tất cả đường ra/vào của khu dân cư.
Phân công và bố trí lực lượng tại các chốt/trạm kiểm soát.
Thành phần chốt/trạm kiểm soát: nên bao gồm cán bộ công an, quân đội, cán bộ xã, cán bộ y tế, dân quân, các đoàn thể, tổ liên gia, trong đó chốt trưởng nên là cán bộ công an.
Nhiệm vụ của chốt/trạm kiểm soát:
Kiểm soát chặt chẽ và hạn chế tối đa người ra, người vào khu dân cư. Người ra/vào khu dân cư phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương.
Lập danh sách, đo thân nhiệt, quan sát tình trạng sức khỏe tất cả người được phép ra/vào khu dân cư.
Yêu cầu tất cả những người được phép vào khu dân cư phải đeo khẩu trang và khử khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay nhanh; khi ra phải tháo bỏ khẩu trang đã sử dụng và thu gom vào nơi quy định tại chốt kiểm soát và khử khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay nhanh.
Kiểm soát vật phẩm, động vật, thực phẩm và các hàng hóa khác có khả năng lây truyền dịch bệnh.
Kiểm soát, khử trùng toàn bộ phương tiện được phép ra/vào khu dân cư.
Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong khu cách ly
Khẩn trương cách ly tạm thời trường hợp phát hiện mắc, liên hệ với cơ sở y tế để vận chuyển đi cách ly điều trị.
Lập danh sách toàn bộ các hộ gia đình và các thành viên gia đình trong vùng cách ly có liên quan đến ca bệnh.
Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1 và thực hiện cách ly theo quy định; thực hiện cách ly, theo dõi các trường hợp là F2.
Tổ chức tiêu độc khử trùng toàn bộ khu dân cư.
Huy động nhân lực y tế, Tổ COVID cộng đồng hoặc chia làm các nhóm giám sát, ít nhất mỗi nhóm 2 người.
Lập danh sách phân công các nhóm chịu trách nhiệm giám sát sức khỏe từng hộ gia đình. Mỗi nhóm phụ trách khoảng 20-30 hộ gia đình.
Cung cấp các biểu mẫu giám sát, nhiệt kế, khẩu trang và dung dịch sát khuẩn tay cho các nhóm giám sát.
Cung cấp số điện thoại đường dây nóng báo dịch cho toàn thể nhân dân trong vùng cách ly biết để người dân chủ động thông báo khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi mắc bệnh.
Thực hiện “rà từng ngõ, gõ từng nhà” đo thân nhiệt, hỏi từng người tại hộ gia đình về tình hình sức khỏe để phát hiện ngay những người có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Ghi chép kết quả vào Bảng theo dõi sức khỏe cá nhân trong hộ gia đình hàng ngày.
Công tác truyền thông trước khi thực hiện khoanh vùng cách ly khu dân cư
Tổ chức truyền thông bằng nhiều hình thức đến từng hộ dân để quán triệt chủ trương, tuyên truyền, vận động toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân tạo sự đồng thuận và ủng hộ việc thiết lập vùng cách ly y tế, cụ thể là: Truyền thông về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của việc lập vùng cách ly y tế; truyền thông, vận động nhân dân về vai trò, trách nhiệm công dân và trách nhiệm xã hội của mỗi người và mỗi gia đình trong việc thực hiện cách ly chống dịch; phát động phong trào toàn thể nhân dân tham gia phòng chống dịch bệnh, giữ gìn sức khỏe, vệ sinh môi trường.
Đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự trong vùng cách ly
Chính quyền và các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự cho người dân trong vùng cách ly.
Đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ trong vùng cách ly.
Không tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung đông người như vui chơi, giải trí, lễ hội, sự kiện ăn uống đông người … trong vùng cách ly.
Đảm bảo an sinh xã hội trong vùng cách ly
Chính quyền và các cơ quan chức năng đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về an sinh xã hội cho người dân trong vùng cách ly thông qua việc cung ứng, thiết lập các điểm bán hàng bình ổn giá trong khu vực cách ly thay cho việc họp chợ để cung cấp: các nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, xăng dầu,chất đốt, thuốc chữa bệnh thiết yếu; bảo đảm cung cấp đủ điện, nước sạch sinh hoạt, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt; cung ứng trang bị phòng bệnh cá nhân: khẩu trang, xà phòng, các chất sát khuẩn thông thường; cung ứng các nguyên vật liệu khác như vật liệu xây dựng, vật liệu sản xuất; bảo đảm vệ sinh trong hoạt động mai táng và hoả táng theo quy định.
Nga Hải (tổng hợp)