Linh hoạt chuyển trạng thái phòng, chống dịch theo tinh thần Nghị quyết 38 của Chính phủ
Trong suốt quá trình chống dịch Covid – 19, Vĩnh Phúc đã quyết liệt, chủ động triển khai sớm các kịch bản, phương án phòng chống dịch, sẵn sàng mở cửa theo tinh thần Nghị quyết 128 và đã đạt nhiều kết quả quan trọng, được Trung ương, Chính phủ đánh giá cao. Hiện nay, khi cả nước đã dần mở cửa nhiều hoạt động trong trạng thái bình thường mới với phương án “thích ứng, an toàn, linh hoạt”, một lần nữa, Vĩnh Phúc lại nhanh chóng chuyển trạng thái phòng chống dịch với những mục tiêu, quan điểm mới bám sát chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và phù hợp với thực tiễn địa phương.
Khi số ca bệnh mới tăng nhanh, Vĩnh Phúc đã linh hoạt chuyển từ điều trị tập trung sang điều trị tại nhà
cho bệnh nhân ở mức độ nhẹ, không có triệu chứng dưới sự giám sát của y tế cơ sở
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh hiện cơ bản đã và đang được kiểm soát tốt. Số lượng các ca mắc giảm; tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Đặc biệt, cùng với đưa ra những giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp để ngăn chặn lây lan dịch bệnh, tỉnh đã chủ động phương án điều trị bệnh nhân theo phân tầng, bảo đảm sẵn sàng điều trị kịp thời nhanh nhất, sớm nhất cho bệnh nhân ở tất cả các tuyến từ tỉnh đến cơ sở, không để bệnh nhân nào mắc Covid-19 không được tiếp cận chăm sóc các dịch vụ y tế. Đồng thời, linh hoạt chuyển từ điều trị tập trung sang điều trị tại nhà/nơi lưu trú cho các bệnh nhân ở mức độ nhẹ, không có triệu chứng khi đủ các điều kiện nhằm giảm tải áp lực cho ngành Y tế và tạo điều kiện tốt nhất cho công tác chăm sóc điều trị người bệnh mắc Covid-19.
Tính đến thời điểm này, tỉnh đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu tối thượng là bảo đảm an toàn tối đa cho sức khỏe, tính mạng của người dân. Cụ thể, đến cuối tháng 3/2022, dù tổng số ca mắc Covid-19 mới lũy kế lên đến 1/3 dân số toàn tỉnh với trên 335.000 người nhưng đã có 297.102 người được điều trị khỏi, số ca tử vong bởi nguyên nhân trực tiếp do Covid-19 gây ra chỉ là 25 trường hợp, chủ yếu là người cao tuổi, mắc các bệnh lý nền cấp tính, rất thấp so với tỷ lệ chung của cả nước cũng như trên thế giới. Hầu hết các ca F0 đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; một số trường hợp có nguy cơ cao đều được điều trị kịp thời nên nhanh chóng ổn định và hồi phục sức khỏe trong thời gian ngắn.
Kết quả đạt được có ý nghĩa to lớn trong việc củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và chính quyền các cấp, dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả còn góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trở lại trạng thái “bình thường mới”; các cơ sở giáo dục tiếp tục tổ chức dạy, học trực tiếp… Đặc biệt, khi cả nước đã dần mở cửa nhiều hoạt động trong trạng thái bình thường mới với phương án “thích ứng, an toàn, linh hoạt” và mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 38 về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 có ý nghĩa thay thế cho Nghị quyết 128 trước đó, chắc chắn, những thành quả chống dịch có được sẽ là tiền đề quan trọng để Vĩnh Phúc tiếp tục đề ra và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch trong trạng thái bình thường mới.
Theo đó, bám sát tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 38, tỉnh đã sớm xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn trong 2 năm 2022 – 2023 với mục tiêu bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả, kiểm soát tốc độ lây lan trong cộng đồng, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do dịch Covid-19. Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến; bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi Covid-19; bảo đảm vừa phòng chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và ổn định đời sống nhân dân. Mục tiêu cụ thể là đến hết quý I/2022 sẽ hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm chủng, trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm và triển khai tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9/2022 khi được Bộ Y tế phân bổ đầy đủ vắc xin; tiếp tục duy trì giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19/1 triệu dân xuống mức thấp hơn mức trung bình của cả nước; 100% người mắc Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch được điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định…
Điểm mới sẽ được tỉnh Vĩnh Phúc triển khai một cách quyết liệt để chuyển trạng thái phòng, chống dịch lần này là bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, từng bước “bình thường hóa” với dịch bệnh; phòng chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro, chuyển từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong; căn cứ tình hình dịch bệnh sẽ chuyển biện pháp phòng chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B vào thời điểm thích hợp; sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống kể cả khi dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn.
Song song với triển khai các giải pháp về y tế như: Sớm bao phủ vắc xin phòng Covid-19, tăng cường giám sát phòng chống dịch, đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình, đề án, dự án sắp xếp, củng cố hệ thống y tế, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động cả hệ thống chính trị, nhất là tại cơ sở, huy động tối đa nguồn lực và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động toàn dân tham gia công tác phòng, chống dịch; nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương; bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm. Thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt là chỉ huy, điều phối, phối hợp tại chỗ để đáp ứng có hiệu quả các tình huống dịch bệnh theo kịch bản phòng, chống dịch; bảo đảm sự phối hợp có hiệu quả giữa các lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường khi cần thiết; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành và điều phối nguồn lực trong tình huống dịch bệnh khẩn cấp cấp huyện, cấp tỉnh. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp giữ vững an ninh, trật tự và an toàn xã hội; tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội phù hợp với tình hình dịch bệnh, bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế – xã hội và ổn định đời sống của người dân trong điều kiện bình thường mới.
Bích Phượng